Mở hộp Có những gì?
Ảnh chụp sản phẩm
Màu
Lenovo Legion 5 Gen 7 (AMD Ryzen7 6800H | Ram 16GB | SSD 1TB | NVIDIA GeForce RTX 3060 | 15.6 inchFHD 165Hz) (New Seal)
-
CPU:
- Ryzen™ 7-6800H
-
RAM:
- 16GB DDR5
-
Ổ cứng:
- SSD 1TB
-
Card đồ họa:
- NVIDIA GeForce RTX 3060
-
Màn hình:
- 15.6inch FHD
REVIEW LAPTOP Lenovo Legion 5 Gen 7
Legion 5 là một trong những laptop bán chạy nhất trong dòng gaming Legion của Lenovo. Kể từ khi ra mắt, Legion 5 vẫn luôn được cộng đồng game thủ coi là “laptop quốc dân” vì nó đáp ứng những thứ họ cần trong một mức giá dễ tiếp cận.
Nhưng trước sự “trỗi dậy” của dòng laptop IdeaPad Gaming 3 (cũng của Lenovo) và đồng thời là hiệu năng ngày càng mạnh mẽ của những sản phẩm đến từ cả Intel, AMD và Nvidia, qua từng thế hệ, Legion 5 dần dần được định vị để trở thành một laptop gaming tầm trung-cận cao cấp, hướng đến những nhóm người dùng mới và tất nhiên là cũng sẽ có những đối thủ mới.
Legion 5 Gen 7 (2022) trang bị vi xử lý thuộc AMD Ryzen 6000 series mới nhất cùng card đồ hoạ GeForce RTX 30 series từ Nvidia. Mức giá sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào từng option mà bạn lựa chọn, và phiên bản mình trải nghiệm gồm vi xử lý AMD Ryzen 7 6800H, 16GB RAM DDR5, 512GB SSD và GPU GeForce RTX 3050Ti hiện có giá bán là 31.990.000 đồng. Đặc biệt, người mua Legion Gen 7 (2022) sẽ nhận được gói dịch vụ bảo hành cao cấp chuyên biệt cho laptop gaming Legion Ultimate Support (LUS) của Lenovo có đội ngũ kỹ sư kỹ thuật hỗ trợ 24/7 đối với phần cứng, phần mềm và phụ kiện dưới mọi hình thức từ điện thoại, email hoặc chat.
Đối thủ của Legion 5 Gen 7 (2022) trong tầm giá này có thể kể đến những cái tên như Acer Nitro 5 hay Asus TUF Gaming F15. Trong bài viết, mình sẽ gọi tắt tên laptop là “Legion 5” để các bạn tiện theo dõi.
Thiết kế trung tính hơn, hợp thời hơn
Đã xưa rồi cái thời mà laptop gaming nào cũng hầm hố, to nạc và cồng kềnh chẳng khác gì máy tính để bàn. Sự phát triển của công nghệ đã biến laptop gaming trở nên mỏng hơn, nhẹ hơn, và xu thế ấy cũng vô tình đẩy phong cách thiết kế hầm hố lùi vào dĩ vãng. Sự “thanh lịch” trong đường nét thiết kế, nếu như trước đây ít được quan tâm, giờ lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Legion 5 đã được Lenovo tái thiết kế theo một phong cách mới mẻ hơn trong năm nay, với bộ khung mỏng hơn và nhẹ hơn – cụ thể là độ dày chỉ 19,9 mm và nặng khoảng 2,4 kg, đây đều là những con số “đáng mơ ước” của một laptop gaming 15,6 inch full-size với card đồ hoạ rời. Mặt A của máy nay đã được làm từ chất liệu nhôm anode, một điều chưa từng xuất hiện trên Legion 5 trước đây, loại bỏ gần như tuyệt đối hiện tượng flex ngay cả khi tác động lực. Logo Legion cũng được làm mới, kết hợp với màu xám Storm Grey mang đến cho Legion 5 vẻ thanh lịch không khác gì một laptop doanh nhân.
Dù vậy, là một “thành viên kỳ cựu” nên Legion 5 vẫn có những nét đặc trưng của dòng gaming Legion. Đa số các cổng kết nối của máy được đặt ở phía sau để khu vực thao tác phía trước được thoáng đãng nhất có thể, chúng lõm sâu hơn cả các hốc tản nhiệt, nên nhìn từ phía sau Legion 5 trông như một chiếc siêu xe. Với tổng cộng 4 hốc tản nhiệt ở phía sau và cạnh bên, bạn có thể tin rằng Legion 5 sẽ tản nhiệt rất hiệu quả, đảm bảo linh kiện bên trong hoạt động mát mẻ và tối ưu hoá hiệu suất của máy.
Sự hiệu quả trong tản nhiệt của Legion 5 đến từ cả phần cứng lẫn phần mềm và cách chúng phối hợp hài hoà với nhau. Lenovo trang bị cho Legion 5 hệ thống tản nhiệt Coldfront 4.0, gồm 2 quạt tản nhiệt 12V với cánh quạt mỏng hơn 40%, tốc độ tối đa tăng lên 4600rpm giúp tối ưu hoá lưu thông không khí trong khi vẫn hạn chế phát tiếng ồn, cùng 4 ống dẫn nhiệt tới block tản nhiệt CPU bằng đồng. Về phần mềm, Lenovo Legion AI Engine điều chỉnh hiệu năng chơi game qua cơ chế dự báo mức độ hiệu suất quạt, cũng như cân bằng nguồn tài nguyên GPU và CPU được xuất ra theo thời gian thực cho từng game đang chơi.
Bên cạnh trái của máy là hai cổng USB-C 3.2 Gen 2 hỗ trợ sạc Power Delivery 135W và xuất hình DisplayPort 1.4. Khác với phiên bản Intel, Legion 5 không hỗ trợ Thunderbolt 4.
Bên phải có thêm jack combo 3.5mm, một cổng USB-A và thanh gạt bật tắt nhanh webcam.
Số lượng cổng kết nối của Legion 5 về cơ bản là giống với chiếc Legion 5i mà mình cũng đã trải nghiệm gần đây, có đủ cả từ USB-C, USB-A đến HDMI, mạng Ethernet RJ45 và nút bật/tắt nhanh webcam. Khác biệt duy nhất của Legion 5 là máy sẽ không hỗ trợ Thunderbolt 4 vì sử dụng vi xử lý AMD Ryzen.
Màn hình đáp ứng nhu cầu “sáng làm việc, tối ‘quẩy’ game”
Phiên bản Legion 5 mình trải nghiệm trang bị màn hình độ phân giải Full HD (1920 x 1080), tấm nền IPS LCD tỷ lệ 16:9 truyền thống, tần số quét 165Hz và độ sáng 300 nit. Ở những phiên bản cấu hình cao cấp hơn thì bạn thậm chí có thể lựa chọn màn hình độ phân giải QHD (2560 x 1440).
Một vài laptop gaming hiện nay đã có xu hướng chuyển sang màn hình tỷ lệ 16:10 để gia tăng diện tích hiển thị theo chiều dọc, nhưng mình thấy 16:9 vẫn phổ biến là vì khả năng tương thích khi chơi game tốt hơn, và dù sao đây vẫn là nhu cầu chính mà Legion 5 đáp ứng.
Sử dụng thực tế, Legion 5 có chất lượng hiển thị tốt hơn so với mặt bằng chung laptop gaming trong tầm giá này, với màu sắc hiển thị sống động, góc nhìn rộng ít bị biến dạng màu ở các góc chéo. Tần số quét 165Hz giúp các thao tác cuộn, vuốt và hoạt ảnh (animation) cực kỳ mượt mà.
Các cạnh viền màn hình mỏng cho trải nghiệm nhìn ngắm thoáng đãng, chỉ có cạnh viền dưới dày hơn để cân đối với bộ khung full-size của Legion 5. Ngoài ra, với độ bao phủ màu 100% sRGB và hỗ trợ Dolby Vision, Legion 5 cũng có thể đáp ứng nhu cầu chỉnh sửa ảnh/video nhẹ nhàng, hay rộng hơn là “sáng làm việc, tối ‘quẩy’ game” như giới game thủ vẫn thường nói.
Phần “nhìn” ấn tượng là vậy, nhưng phần “nghe” lại không phải là điểm sáng của Legion 5. Bộ đôi loa 2W down-firing tuy có âm lượng khá lớn nhưng chất âm không nổi trội, đây cũng là điểm yếu cố hữu của nhiều laptop nói chung. Ứng dụng Nahimic Audio không giúp ích được nhiều trong việc cải thiện điều này. Nếu là một game thủ nghiêm túc, bạn nên đầu tư một chiếc tai nghe hoặc loa ngoài “xịn xò” hơn để có trải nghiệm chơi game tốt nhất.
Legion 5 dùng bộ đôi loa ngoài down-firing 2x2W
Webcam của Legion 5 cũng đã được nâng cấp lên độ phân giải Full HD, bạn nào theo đuổi giấc mơ làm streamer có thể dùng luôn webcam này mà vẫn có thể an tâm về chất lượng hiển thị.
Bàn phím TrueStrike “out trình” phân khúc, LED RGB 4 vùng
Nói về bàn phím laptop, khó có thương hiệu nào có thể vượt qua được danh tiếng lâu năm của ThinkPad, nhưng sẽ ra sao nếu Lenovo mang những kinh nghiệm ấy lên các sản phẩm gaming của mình? Có tên gọi là Legion TrueStrike, bàn phím của Legion 5 mang đến trải nghiệm gõ rất tốt, không phải phím cơ nhưng các nút bấm đều có phản hồi tactile rõ rệt, hành trình phím xuống sâu.
Layout full-size tức là máy có đủ các hàng phím số numpad, nhưng trên Legion 5 ngay cả các phím điều hướng cũng sở hữu kích thước đầy đủ. Tiết diện keycap và khoảng cách giữa các phím đã được Lenovo cân đối để đạt được điều này mà không ảnh hưởng đến cảm giác gõ của người dùng.
Với những game thủ có thói quen “chiến game” buổi đêm hoặc đơn giản là muốn tăng tính thẩm mỹ, Legion 5 có hệ thống LED RGB 4 vùng dưới bàn phím, có thể tuỳ biến chế độ hiển thị thông qua phần mềm Lenovo Vantage.
Với những máy gaming Legion thì giao diện ứng dụng Lenovo Vantage sẽ có thêm nhiều tuỳ biến liên quan đến hiệu suất của máy, chẳng hạn như ép xung GPU, chế độ hiệu năng,… cùng khả năng theo dõi sức khoẻ, kiểm tra tình trạng bảo hành. Các tuỳ chỉnh nâng cao sẽ yêu cầu một chút về kỹ năng của người dùng, nhưng về cơ bản các thiết lập bên trong Lenovo Vantage đều trực quan và dễ nắm bắt.
Với game thủ mình đoán chắc phải đến 99% họ sẽ dùng chuột ngoài, nhưng Lenovo vẫn quyết định đưa touchpad kích thước lớn lên Legion 5. Với nhu cầu lướt web và sử dụng hàng ngày, touchpad này đáp ứng khá ổn nhờ cảm giác vuốt mượt dù click hơi nông.
Chip AMD Ryzen 6000 Series mang đến hiệu năng mạnh mẽ
Legion 5 là một trong những laptop đầu tiên trang bị vi xử lý thuộc Ryzen 6000 series của AMD cập bến thị trường Việt Nam. Được sản xuất dưới cấu trúc Zen 3+ trên dây chuyền sản xuất 6nm tiên tiến của TSMC, Ryzen 6000 series mang đến hiệu năng tốt hơn đồng thời giảm tiêu thụ điện năng đáng kể so với cấu trúc Zen 3 tiến trình 7nm cũ.
Vi xử lý Ryzen 7 6800H trên Legion 5 sở hữu thông số 8 nhân/16 luồng với xung nhịp tối đa lên tới 4.7 GHz và TDP mặc định 45W. Kết hợp với card đồ hoạ GeForce RTX 3050Ti từ Nvidia, 16GB RAM DDR5 và SSD NVMe tốc độ cao, Legion 5 hứa hẹn sẽ “cân” tốt mọi tựa game ở thời điểm hiện tại ở độ phân giải Full HD, cũng như cho phép bạn trải nghiệm những công nghệ mới như dò tia Ray Tracing, DLSS. Ngoài ra, Legion 5 còn trang bị kết nối không dây siêu tốc Wi-Fi 6 11ax, nhanh gấp 3 lần so với Wi-Fi 5 và độ trễ giảm 75%.
Bạn có thể chuyển đổi nhanh giữa các profile hiệu năng gồm Performance, Intelligent Cooling và Silent bằng phím tắt Fn+Q, màu sắc đèn báo ở nút nguồn sẽ cho bạn biết profile nào đang được lựa chọn. Trong các bài benchmark, mình luôn thực hiện chúng ở profile Performance để thu được kết quả tốt nhất.
Dưới đây là kết quả của Legion 5 trong các bài test benchmark quen thuộc:
Cinebench R23, đo hiệu năng CPU tác vụ render, đơn nhân và đa nhân. Ryzen 7 6800H của Legion 5 đạt 1.405 điểm đơn nhân và 13.744 điểm đa nhân.
Legion 5 đạt 1.455 điểm đơn nhân và 9.369 điểm đa nhân trên GeekBench 5.
Trong khi đó, GPU RTX 3050Ti đạt 71.237 điểm hiệu năng OpenGL.
PCMark 10 giả lập các tác vụ đa nhiệm thường ngày. Legion 5 2022 đạt 6.218 điểm.
3DMark là bộ công cụ giả lập chơi game và đánh giá hiệu năng phổ biến hàng đầu hiện nay. Với cấu hình của Legion 5, mình lựa chọn 2 bài test là FireStrike và Time Spy.
3DMark FireStrike giả lập chơi game độ phân giải Full HD, thư viện đồ hoạ DX11. Số điểm Legion 5 đạt được là 14.328.
3DMark Time Spy giả lập chơi game độ phân giải 2K, thư viện đồ hoạ DX12. Legion 5 đạt 6.486 điểm.
Về hiệu năng chơi game, mình sử dụng những trình benchmark có sẵn của các tựa game gồm Far Cry: New Dawn, Final Fantasy XV và Guardians of the Galaxy. Các tựa game đều được cấu hình ở thiết lập đồ hoạ High, độ phân giải màn hình Full HD. Kết quả cho thấy Legion 5 có thể đạt FPS trung bình trong khoảng 90-100, nếu muốn mượt mà hơn nữa thì bạn có thể cân nhắc giảm thiết lập đồ hoạ xuống Medium hoặc tận dụng tính năng DLSS nếu game đó có hỗ trợ.
Kết quả benchmark tựa game Far Cry: New Dawn.
Kết quả benchmark tựa game Guardians of the Galaxy.
Điểm số Legion 5 đạt được trên bộ công cụ benchmark của Final Fantasy XV.
512GB SSD NVMe Gen 4 là tuỳ chọn có trên chiếc Legion 5 của mình, với nhu cầu lưu trữ cao hơn thì bạn có thể nâng lên tối đa 1TB. Mẫu SSD này là PM9A1 của Samsung, khi đo với phần mềm Crystal Disk Mark cho kết quả tốc độ đọc/ghi tuần tự lần lượt 6.761 MB/s và 4.803 MB/s.
Giao thức PCIe 4.0 cho tốc độ và băng thông vượt trội so với PCIe 3.0 tiền nhiệm, và không ngạc nhiên khi các tác vụ như khởi động Windows, đóng mở ứng dụng nặng, nén hay sao chép dữ liệu đều được Legion 5 thực hiện một cách nhanh chóng.
Nhiệt độ CPU Ryzen 7 6800H sau khi chạy Cinebench R23 liên tục trong 10 phút.
Và nhiệt độ GPU RTX 3050Ti sau khi stress test.
Do hệ thống tản nhiệt Coldfront 4.0 khá “khủng”, Legion 5 không ngần ngại trong việc đẩy CPU và GPU lên nhiệt độ cao và duy trì hiệu năng khi benchmark và thực hiện các tác vụ nặng. Chạy Cinebench R23 liên tục trong 10 phút thì nhiệt độ cao nhất mà CPU Ryzen 7 6800H ghi nhận là 99 độ C, trong khi nhiệt độ trung bình là 84 độ C. Trong khi đó, RTX 3050Ti hoạt động khá mát mẻ, khi nhiệt độ tối đa sau khi stress test cũng chỉ là 78 độ C ở hotspot. Cũng cần lưu ý một chút là khi mình thực hiện các bài test này thời tiết Hà Nội còn chưa chuyển lạnh đâu nhé!
Thời lượng pin dư dả nếu không chơi game, sạc nhanh 230W
Tuy có cùng viên pin 80 WHr, chiếc Legion 5 này sẽ có thời gian sử dụng tốt hơn đáng kể so với Legion 5i ở bài viết trước vì Legion 5 có màn hình Full HD và GPU RTX 3050Ti thay vì màn hình 2K và RTX 3060. Thực tế, nếu không chơi game, với các tác vụ thông thường hàng ngày của mình, Legion 5 có thể trụ được tới hơn 5 tiếng. Còn nếu chơi game, thời lượng sử dụng sẽ giảm đi rất nhanh, chưa kể khi pin yếu sẽ dẫn đến giảm độ sáng và giảm xung nhịp, nên tốt hơn hết bạn hãy cắm sạc khi chơi game để đảm bảo hiệu năng tốt nhất.
Đi kèm với Legion 5 của mình là củ sạc nhanh công suất 230W, với các phiên bản cấu hình cao hơn thì củ sạc đi kèm sẽ có công suất 300W. Củ sạc 230W vẫn có tốc độ sạc rất nhanh, ngoảnh đi ngoảnh lại thôi là pin đã đầy rồi. Ngoài ra bạn cũng có thể sạc bằng củ sạc bên thứ ba, khi Legion 5 hỗ trợ sạc công suất tối đa 135W qua cổng USB-C Power Delivery.
Tổng kết
Lenovo tiếp tục giữ vững phong độ với Legion 5, mang đến cho chúng ta một chiếc laptop với thiết kế hợp thời hơn, màn hình đáp ứng đa dạng nhu cầu và hiệu năng mạnh mẽ với sự giúp sức của AMD và Nvidia. Mức giá bán 31.990.000 đồng cho thấy Legion 5 không còn là một “budget gaming laptop” nữa – nó đã được Lenovo giao phó cho một sứ mệnh mới, và với những gì đã thể hiện thì mình nghĩ Legion 5 vẫn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình giống như nó vẫn luôn làm được từ trước đến nay thôi
0 đánh giá Lenovo Legion 5 Gen 7 (AMD Ryzen7 6800H | Ram 16GB | SSD 1TB | NVIDIA GeForce RTX 3060 | 15.6 inchFHD 165Hz)